PYTHAGORAS VÀ THẦN SỐ HỌC.

PYTHAGORAS VÀ THẦN SỐ HỌC.

Trong cuốn sách “Thay đổi cuộc sống với πhân số học” (tạm dịch: Thay đổi cuộc sống với nhân số học) do Youtuber Lê Đỗ Quỳnh Hương phát triển từ tác phẩm gốc “The Complete Book of Numerology” (1980) của tác giả David A. Phillips, tại trang rời đứng độc lập trước lời ngỏ, có một đoạn ghi rằng:

“Toàn bộ thông tin trong dự án này chỉ mang giá trị là một kênh tham khảo, không nhất thiết chính xác trong mọi trường hợp. Những người thực hiện dự án không chịu trách nhiệm nếu bạn sử dụng thông tin từ kênh này cho bất kỳ hành động nào vì quyền lợi cá nhân của bạn.” dù rằng tựa đề cuốn sách và ý tưởng xuyên suốt tác giả/dịch giả đặt ra là “Thay đổi cuộc sống với nhân số học”.

Nhưng điều khiến tôi chú ý hơn cả là câu văn khẳng định ở đầu Phần 1 của cuốn sách: “Nhân số học là một môn khoa học nghiên cứu về Khám phá Bản thân (Self-Discovery)”. Tuy vậy, theo như chúng tôi biết, trong hệ thống học thuật chính thống thế giới, không tồn tại bất kỳ bộ môn khoa học nào như vậy.

Trên Goodreads, trang review sách (bởi đại chúng) hàng đầu thế giới, phần lớn độc giả xếp cuốn sách gốc của tác giả David A. Phillips vào thể loại “pseudoscience” (tức ngụy khoa học, hay giả khoa học) và “spirituality” (tâm linh) [1]. Về lĩnh vực khai thác của cuốn sách này (bản gốc và bản tiếng Việt đã đề cập) là numerology, cũng từ lâu được xếp vào nhóm pseudoscience [2].

Để tiết kiệm thời gian của độc giả, numerology, hay thần số học/nhân số học, hoàn toàn là một bộ môn ngụy khoa học khi xét trên định nghĩa chính xác về khoa học [3]. Vì vậy, việc mượn danh khoa học cho bộ môn này về cơ bản là một hành vi sai lệch, có hoặc không có chủ đích, nhằm tạo ra hiểu lầm cho độc giả đại chúng.

Phần phía sau đây sẽ phân tích sâu hơn lịch sử về numerology và (người được cho là) cha đẻ của nó là Pythagoras, nhằm giúp độc giả hiểu chính xác hơn về bản chất của bộ môn này và đánh giá của giới khoa học về numerology. Chúng tôi sẽ không sa đà vào chuyện phân tích các cuốn sách cụ thể, cũng như không cố gắng chứng minh lý thuyết này là sai. Vì ngay từ đầu, bản thân bộ môn này trên thực tế chưa từng chứng minh được lý thuyết của mình là đúng một cách chính thống (tức bằng các phương pháp khoa học), nhìn chung chỉ là một hệ thống lý thuyết xây dựng niềm tin thông qua việc sử dụng ngôn từ một cách khéo léo nhằm thu hút đại chúng – điểm chung của hầu hết các bộ môn ngụy/giả khoa học phổ biến.

1. Pythagoras.

Nền tảng vững chắc nhất, được dùng thường xuyên nhất bởi các môn đồ của numerology, là tên của người được cho là sáng lập của bộ môn này, triết gia Hy Lạp, nhà toán học nổi tiếng Pythagoras. Tuy vậy, bản thân nhà toán học vốn có tên tuổi gắn liền với Định lý Pythagoras nổi tiếng vẫn đang đứng trước ánh nhìn hoài nghi của giới học thuật về những đóng góp của ông với toán học, hay thậm chí, người ta còn bắt đầu tranh cãi xem liệu Pythagoras có phải người tìm ra cách chứng minh nổi tiếng về tam giác vuông mang tên ông hay không.

Hay xa hơn, liệu ông có thực sự tồn tại hay không?

Câu hỏi này tưởng chừng nhưng vô lý, nhưng quả thực không có bất kỳ bằng chứng hay cách lập luận nào đủ sức chứng minh được rằng Pythagoras thực sự tồn tại. Giả thuyết rằng ông không tồn tại tuy cũng không thực sự đủ mạnh đến có thể nhanh chóng được xem là sự thật, nhưng mức độ tin cậy của nó nhìn chung còn đáng tin hơn kết luận rằng ông có tồn tại.

Sở dĩ như vậy, vì trái với những cổ nhân của đế chế Hy Lạp nổi tiếng khác, Pythagoras không để lại bất kỳ công trình, tài liệu hay bút tích nào. Tài liệu của những người đương thời cũng không hề nhắc đến sự tồn tại của ông [4]. Những tác phẩm đầu tiên có đề cập đến Pythagoras đều có niên đại sau mốc qua đời của Pythagoras hàng trăm năm. Ngay cả thế, sự xuất hiện của ông trong các tác phẩm khác nhau tương đối mâu thuẫn, phân mảnh và nặng màu sắc truyền thuyết. Những nguồn đầu tiên đề cập đến ông thường ngắn gọn, mơ hồ, thậm chí mang màu sắc châm biếm, giễu cợt [5].

Trong một số tài liệu, chẳng hạn của Aristotle hay pháp sư Abaris đến từ Mông Cổ, Pythagoras còn được xem là thần Apollo, hoặc hiện thân của thần Apollo [6]. Pythagoras cũng nổi tiếng với vai trò là người sáng lập giáo phái (?!) Pythagoreanism, với những lý thuyết về toán học, vũ trụ học và quan điểm về thuyết luân hồi (tạo ra một màu sắc lạc quan mới mẻ về cái chết). Vì vậy một số học giả cũng cho rằng rất có thể tên tuổi của ông đã được dựng nên bởi các môn đồ về sau này, hoặc ít nhất được gán là khởi nguồn của nhiều ý tưởng – vốn là một hiện tượng phổ biến diễn ra nhiều lần trong lịch sử.

Tuy vậy, tranh cãi chính xoay quanh Pythagoras sôi nổi nhất không phải ở chuyện ông có tồn tại hay không, mà ở việc liệu ông có phải là người tạo ra nhiều đóng góp quan trọng cho toán học và vũ trụ học hay không. Đặc biệt, theo luồng quan điểm phổ biến hiện tại, nhìn chung giới học thuật không đồng ý rằng ông đã tạo ra định lý nổi tiếng “bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông” [7].

Chẳng hạn, mặc dù Plato và Aristotle có đề cập đến Pythagoras về sau này, nhưng rất khó hiểu khi họ không hề đề cập gì đến quan điểm của ông về vũ trụ học (vốn nổi tiếng theo như ghi chép ở giai đoạn sau). Các tài liệu đương thời khác cũng không hề đề cập đến công trình của Pythagoras trong toán học, cụ thể là định lý mang tên ông trong lĩnh vực hình học. Một điều cực kỳ khó hiểu vì cho đến tận hôm nay, đó vẫn là định lý toán học được chứng minh đi chứng minh lại và nhắc đến nhiều nhất mọi thời đại [8].

Dicaearchus, học trò của Aristotle, người chuyên ghi chép về lịch sử và địa lý Hy Lạp lúc bấy giờ, cũng không hề đề cập đến thành tựu quan trọng của Pythagoras, và nhận xét rằng “không ai có thể chắc về những gì ông đã nói với môn đồ của mình” [9]. Những ghi chép mơ hồ về thành tựu của Pythagoras được thực hiện bởi các học trò chuyên ghi chép về lịch sử toán học khác của Aristotle, cũng đã cho thấy rằng không có đề cập nào cụ thể về thành tựu của Pythagoras với hình học. Sự vắng mặt khó hiểu của Pythagoras và định lý mang tên ông trong tài liệu của những cái tên nổi tiếng và đáng tin cậy đương thời đã tạo ra sự hoài nghi ngay cả với những học giả thần tượng Pythagoras nhất. Điều đáng nói, ngoài sự thật rằng cuộc đời Pythagoras và giáo phái của ông không thực sự gắn liền với toán học một cách chặt chẽ, thành viên đầu tiên của giáo phái được xác định là nhà toán học đại tài Archytas cũng sống cách thời điểm Pythagoras qua đời nhiều thế kỷ [9].

Hàng loạt những bằng chứng rõ ràng đều không nói về Pythagoras hay cụ thể nhắc đến các thành tựu của ông, nhưng vẫn tồn tại một số đoạn rất ngắn, như hai dòng thơ không xác định thời điểm và bối cảnh nói về việc Pythagoras đã hiến dâng một con bò đực để kỷ niệm việc tìm ra “sơ đồ nổi tiếng” (famous diagram). Điều này dẫn đến giả thuyết rằng rất có thể Pythagoras đã vô tình biết được định lý tam giác vuông từ người Babylon cổ đại, vì có rất nhiều bằng chứng chắc chắn cho thấy người Babylon đã tìm ra định lý Pythagoras cả nghìn năm trước ngày ông ra đời [10].

Nhìn chung, tranh cãi về Pythagoras vẫn đang tiếp tục trong giới học thuật. Tuy vậy, quan điểm tạm thời được đồng thuận chủ yếu trong giới vẫn là chấp nhận rằng Pythagoras không phải nhà toán học hay nhà khoa học [11]. Đối trọng lại toàn bộ những mơ hồ của lịch sử, sự vinh danh dành cho Pythagoras chủ yếu đến từ việc trong sử liệu về sau này, tên ông đã được gán cho các thành tựu, dù rằng phía trước đó và sau đó là một vùng mơ hồ vô tận.

Định lý Pythagoras tương đối đẹp và kỳ diệu bởi sự ngắn gọn, hoàn hảo của nó. Vì vậy, bản thân nó đã truyền cảm hứng cho nhiều ý tưởng về quy luật vũ trụ, tâm linh và đại loại vậy. Pythagoras và giáo phái của ông vốn cũng thích việc gắn những con số vào các mục đích tìm hiểu ý nghĩa và thông điệp từ vũ trụ. Numerology là một ví dụ.

Aristoxenus, một học trò khác của Aristotle, trong một vài đoạn ngắn hiếm hoi có đề cập cùng lúc đến Pythagoras lẫn toán học, đã ghi rằng “hầu hết giá trị của các con số được đề cao và tách rời khỏi mục đích của những lái buôn, bằng cách ví tất cả mọi thứ với những con số” [12]. Nhìn chung, bức tranh về Pythagoras với các con số không thực sự liên quan đến toán học hay khoa học, mà như một phương pháp luận chủ yếu dùng các con số để xem xét tất cả mọi thứ.

Sơ khởi về toàn bộ cuộc tranh cãi xoay quanh Pythagoras các bạn có thể xem qua ở từ điển Triết học của Stanford mà chúng tôi dẫn link bên dưới.

2. Numerology.

(Chúng tôi hạn chế dùng các thuật ngữ được dịch ở tiếng Việt vì cả hai định nghĩa hiện hành là thần số học và nhân số học đều được tự đặt ra bởi những tổ chức đã đem bộ môn này về Việt Nam và kiếm tiền dựa trên nó, không phải định nghĩa chính thức).

Thực ra việc numerology có được phát triển bởi Pythagoras hay bởi giáo phái của ông về sau này vẫn còn là điều gây tranh cãi. Dù vậy, nhìn chung là numerology vốn đã không được đề cao ở cả thời điểm nó ra đời. Ở thời điểm hiện tại, bản thân numerology cũng phân mảnh nghiêm trọng, các cuốn sách đại chúng thường bị phàn nàn là “mạnh ai nấy viết” vì mỗi tác giả lại uốn nắn con số và ý nghĩa của nó theo ý mình. Có lẽ do vốn các con số từ đầu đã không mang theo bất kỳ ý nghĩa nào, nên việc vô tội vạ gán ghép tranh thủ kiếm chác là điều khó tránh khỏi và cũng khó trách.

Về định nghĩa, numerology là bất kỳ niềm tin nào cho rằng giữa con số và các sự vật, hiện tượng, sự kiện xảy ra có một mối quan hệ thần thánh hoặc thần bí. Ngay từ định nghĩa, numerology đã tự triệt tiêu khả năng nó là một môn khoa học, thật khó hiểu khi ngày nay một số người vẫn cố tình (hoặc quá ngu ngốc?) gắn hai chữ “khoa học” vào đó.

Trong Metaphysics, Aristotle đã ghi rằng “Những người được gọi là Pythagoreans, những người đầu tiên sử dụng toán học, không chỉ mở rộng bộ môn này, mà khi đã bị ám ảnh bởi nó, họ đã ảo tưởng rằng các nguyên tắc của toán học là nguyên lý của tất cả mọi thứ”. Theo ông, các thành viên của giáo phái Pythagoreanism sử dụng toán học chỉ vì những lý do thần bí, không có ứng dụng thực tế. Vì vậy, không thể nhầm lẫn rằng toán học họ nghiên cứu là toán học ngày nay, mà rất có thể chỉ là một bộ môn từ đầu đã hướng đến việc gán các con số lên tất cả mọi thứ rồi liên kết chúng lại với nhau bằng một mối quan hệ tâm linh thần bí.

Nguyên lý hoạt động của nó cũng tương đối đơn giản. Theo như (một phần) lý thuyết của Pythagoreanism, số 1 là nguồn gốc của vạn vật vì bất kỳ số nào cũng có thể được tạo ra từ 1, chẳng hạn 9 = 1 + 1 + 1 + 1 + 1 + 1 + 1 + 1 + 1. Số 2 đại diện cho nữ, số 3 đại diện cho nam, vậy số 5 đại diện cho hôn nhân, gia đình (2 + 3 = 5). Số 4 đại diện cho công lý. Còn số 10 là số hoàn hảo vì 10 = 1 + 2 + 3 + 4 (tức các số trên). Có thể thấy, đa phần lý thuyết sử dụng số học đơn giản và phép toán đơn giản, chỉ là số tự nhiên và phép cộng [13]. Những lý thuyết như “số 1 đại diện cho nguồn gốc của vạn vật, số 2 đại diện cho vật chất”, “số lẻ là nam tính”, “số chẵn là nữ tính”, “số 7 là thiêng liêng vì là số lượng của các hành tinh và dây trên cây đàn lia và là ngày sinh nhật của thần Apollo”… nhìn chung không khác gì “nam là 7, nữ là 9” và những kiểu gán số khác trong văn hóa Á Đông.

Thuật số học, tức gắn các con số lên mọi thứ trên thế giới, tồn tại phổ biến ở nhiều nền văn hóa và tôn giáo, như Trung Quốc (số may mắn, số xui xẻo, y học cổ truyền…), Ấn Độ, Do Thái giáo, một nhánh nhỏ phân tích thuật số trong Kinh Thánh… Chúng có thể trông mới mẻ và hấp dẫn vào thời điểm cả hiểu biết về toán học lẫn về thế giới đều tương đối nghèo nàn, nhưng hầu hết đã thất truyền từ lâu và không còn được đánh giá cao. Ngay cả ở quá khứ, chúng cũng chỉ là một nhóm thiểu số và không được trọng dụng, đánh giá cao bởi chính thống. Chẳng hạn, Cơ đốc giáo trong quá khứ liên tục lên án thuật số học của người Babylon và của giáo phái Pythagoreanism, xếp numerology và các hình thức bói toán, chiêm tinh học khác vào nhóm “ma thuật” ngoại đạo, bị cấm; dù vậy, một số nhóm nhỏ vẫn miệt mài tìm các con số và mối quan hệ của nó trong Kinh thánh.

Dưới góc nhìn khoa học, numerology chưa bao giờ được quan tâm đến. Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy các con số có thể giúp ích hay có mối quan hệ thần bí nào với các sự vật, hiện tượng. Vì vậy, không có bất kỳ ai xây dựng lý thuyết khoa học hoặc tham khảo numerology cho những nghiên cứu của mình. Thuật ngữ “numerology” được dùng trong khoa học có một ý nghĩa khác, nhằm bác bỏ, châm biếm và chỉ trích những lý thuyết khoa học quan tâm quá nhiều đến sự trùng hợp của số liệu. Thay vì xem đó là ngẫu nhiên, một số nhà khoa học đã quá tập trung vào nó, tự gán lên những mối liên hệ thần bí, loại bỏ các ngoại lệ và suy diễn nhân quả vội vã nhằm biến một điều ngẫu nhiên thành mối quan hệ có chủ ý. Những lý thuyết này thường bị gán mác là numerology và không được chú ý đến trong giới học thuật, thường là một vết nhơ trong sự nghiệp [14]. Tuy vậy, vấn đề này cũng tương đối nhỏ và nhận được ít sự quan tâm trong khoa học.

Numerology không hề có bất kỳ tính khoa học nào cả, và cũng chưa từng là một bộ môn phổ biến hay được công nhận bởi chính thống, đó là điều chắc chắn. Tuy vậy, nếu hỏi rằng điều đó có ảnh hưởng gì đến độ đúng đắn của nó không, quả thực, câu trả lời là không. Mọi thứ không cần phải đảm bảo tính khoa học hay được công nhận bởi chính thống để có thể đúng. Tuy vậy, điều này cũng khá… vô nghĩa. Tôi không thể dựa trên khoa học để chứng minh rằng numerology là sai, cũng như chẳng ai dùng tư duy khoa học để phủ nhận truyện cổ tích, cơ bản vì nó đã không nằm trong phạm vi khoa học, nên gần như miễn nhiễm với việc thiếu hụt phương pháp luận khoa học.

Nhưng điều này quan trọng, khác với bất kỳ lý thuyết khoa học nào khác trên thế giới, vì numerology vốn đã không dựa trên cơ sở và nền tảng lý luận vững chắc, không có điểm tựa để phủ nhận nó sai về mặt lý luận, nhưng đồng nghĩa rằng chẳng có gì để đảm bảo rằng nó đúng, ngoại trừ niềm tin.

3. Ý nghĩa của những con số.

Numerology đáng để tìm hiểu như một cách để nắm bắt văn hóa của thế giới trong quá khứ. Đôi lúc chúng ta cần tiếp cận với một số kiểu lý luận, tư duy của quá khứ, nhằm hiểu cách tổ tiên mình đã sống, đã cảm nhận và đã suy nghĩ. Việc dùng tư duy khoa học, hiện đại có thể tạo ra tầm nhìn hạn hẹp và nhìn thấy một kiểu quá khứ theo ý ta muốn, đơn điệu, nhàm chán và dễ hiểu, hơn là quá khứ thực sự. Để hiểu cảm giác của một người nông dân sống cách đây 1000 năm, ta phải biết điều họ biết và không biết điều họ không biết. Nét thần bí, ma thuật của những lý thuyết cổ, phần nào vén bức màn về cách con người trong quá khứ nhìn nhận thế giới; và ta phải nghiêm túc nghiên cứu nó nếu muốn thực sự hiểu tổ tiên của mình. Đây chưa bao giờ là một việc dễ dàng, lại càng không phải một việc mà người bình thường nên bỏ công theo đuổi, thường là lĩnh vực của một số học giả, ở một số ngành đặc thù.

Ngoài ra, việc hiểu về numerology cũng có thể giúp bạn hiểu hơn về ý đồ của các tác giả, phía sau những văn hóa phẩm đại chúng. Sự hiện diện của các con số (và ý nghĩa của nó) trong các tác phẩm đại chúng là một dạng “easter eggs xịn”. Bản thân mỗi con số là một dạng biểu tượng, hàm chứa nhiều ý nghĩa và những tầng tầng lớp lớp các ý nghĩa này đã được hình thành trong hàng nghìn năm qua. Tác giả của những tác phẩm đại chúng, nếu thực sự nghiên cứu tử tế về lĩnh vực này, sẽ biết cách cài cắm thông điệp phức tạp qua các con số, dành riêng cho một số người tìm hiểu, mà vẫn không làm loãng nội dung trong mắt khán giả đại chúng.

Chẳng hạn, số 3 từ lâu đã được gắn với các ý nghĩa thần bí, tâm linh, xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm dân gian, như 3 chú lợn con, 3 chú gấu, 3 chú dê đực, 3 điều ước… 3 cũng thường là số lượng thần linh tối thượng ở nhiều nền văn hóa, như 3 vị thần Anu, Bel và Ea của Babylon; 3 khía cạnh của Thần Mặt Trời Ai Cập là Khepri, Re và Atum; Chúa Ba Ngôi trong Thiên Chúa Giáo. 3 con mèo màu đen thường được hiến tế để gọi quỷ dữ… Hoặc số 9 tượng trưng cho sự đau khổ và nỗi buồn. Số 12 đại diện cho thiên đường và những điều tốt đẹp, trong khi số 11 đại diện cho ý nghĩa tiêu cực do là sự thiếu hụt của số 12… [15].

Tìm hiểu về numerology, vì vậy, đôi lúc có thể giúp bạn hiểu được trọn vẹn hơn ý đồ của các tác giả trong các tác phẩm của họ và nhận ra ai thực sự tìm hiểu tri thức cổ xưa để lồng ghép một cách có ý đồ, ai chỉ bắt chước máy móc còn ai vô tình dùng chúng một cách ngẫu nhiên. Còn lại, ý nghĩa của những con số không thể giúp bạn gặp được thần linh hay triệu hồi quỷ dữ, và tuyệt nhiên không thể giải quyết được các vấn đề ở cuộc sống thực. Sự hữu dụng nhất của numerology, như một kênh để người hiện đại nghiên cứu về con người trong quá khứ, trớ trêu thay chính là thứ khiến nó trở nên vô dụng với những tín đồ thời hiện đại.

Quay trở lại cuốn sách tôi có nhắc đến ở đầu bài, tôi đã xem qua và thấy bất ngờ vì nó không có gì mới mẻ hay đặc biệt. Những gì đề cập trong đó không khác gì đã đăng cách trên những tờ báo học trò cách đây hàng chục năm cho nhóm trẻ cấp 2, cấp 3. Chúng không tốt, không xấu nhưng cũng không vô hại. Mặc dù màu sắc của cuốn sách là tích cực, nhưng lại dựa trên những nền tảng không bền vững, gây nhiễu cho độc giả. Việc tự nhận (một cách sai lầm) lý thuyết nhân số học là một bộ môn khoa học vốn đã là một hành vi độc hại. Nó không những ẩn chứa nguy cơ gây hại cho các độc giả cả tin, khiến họ nhầm lẫn sự đáng tin của khoa học với một lý thuyết thần bí, còn khiến ảnh hưởng đến uy tín của khoa học.

Trái với những bộ môn mê tín cũ kỹ truyền thống khác vốn đã phổ biến từ trước đó trong xã hội, như bói toán, tử vi… từ đầu đã không được kỳ vọng là khoa học; nhân số học/thần số học và hàng loạt bộ môn ngụy khoa học đang được du nhập vào Việt Nam gắn mác khoa học và được truyền thông như thể đó là lý thuyết thần kỳ mới mẻ (mặc dù bản thân xu hướng mang numerology trở lại thời hiện đại đã lỗi thời trên thế giới được khoảng 20-30 năm). Đó là lý do chính khiến chúng tôi buộc phải lên tiếng.

Với độc giả, các bạn được phép tự do lựa chọn thông tin để tiếp thu, luôn như vậy, nhưng sẽ tốt hơn nếu đó là những thông tin được truyền đạt một cách trung thực.

– Artist: Poetism.

– Trans: sh1karo.

Bình luận về bài viết này